Giá trị dinh dưỡng và những lưu ý khi ăn rau muống
Rau muống là một loại rau thân thảo, có thể mọc bò trên mặt nước hoặc trên đất bùn. Cây có thân dài, rỗng, với giống rau mọc dưới nước, tại mỗi đốt thân thường mọc rễ ngắn bám vào môi trường xung quanh.
Giá trị dinh dưỡng của rau muống
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, thông tiểu tiện và hỗ trợ điều trị táo bón, tiểu rắt. Trong dân gian, rau muống được sử dụng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh thường gặp.
Theo thống kê từ The Star, trong mỗi 100g rau muống có chứa:
90% là nước
3g chất xơ
3g protein
Vitamin C, vitamin E
Khoáng chất: sắt, kẽm, magie
Nhờ thành phần dinh dưỡng phong phú, rau muống mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt phù hợp với người bị thiếu máu, loãng xương, huyết áp thấp, phụ nữ mang thai và những ai muốn ngăn ngừa táo bón.
Rau muống cũng là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, có thể chế biến thành nhiều món như luộc, xào, nộm, nấu canh… Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp để ăn rau muống.
Những ai không nên ăn rau muống?
Người có vết thương hở
Những người đang có vết thương chưa lành nên hạn chế ăn rau muống, bởi loại rau này có thể kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo, khiến vết thương trở nên ngứa ngáy và dễ để lại sẹo lồi.
Người mắc bệnh gout, sỏi thận
Rau muống không phù hợp với người bị gout, viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc sỏi thận. Những bệnh nhân này nên hạn chế ăn rau muống để tránh làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Người bị viêm khớp
Việc tiêu thụ rau muống có thể khiến bệnh viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn do làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể.
Người có hệ tiêu hóa yếu
Rau muống có thể chứa ký sinh trùng Fasciolopsis buski, gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nếu ăn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Những người có hệ tiêu hóa kém có thể gặp tình trạng đau bụng, khó tiêu hoặc dị ứng khi ăn rau muống sống.
Rau muống là thực phẩm phổ biến và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tuy nhiên, cần sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa công dụng của nó.