10 năm làm è cổ, vẫn không trả hết nợ vì xây nhà quá to. Suốt ngày phải lo đến hạn trả lãi.

Hiện nay, rất nhiều gia đình rơi vào cảnh còng lưng trả mãi không hết nợ cho ngân hàng. Chỉ vì cái tội vay tiền để xây nhà hoặc mua trả góp, dù khả năng tài chính còn eo hẹp nhưng lại thích nhà vừa to, vừa rộng. Ở quê nhưng lại thích xây nhà

Hiện nay, rất nhiều gia đình rơi vào cảnh còng lưng trả mãi không hết nợ cho ngân hàng. Chỉ vì cái tội vay tiền để xây nhà hoặc mua trả góp, dù khả năng tài chính còn eo hẹp nhưng lại thích nhà vừa to, vừa rộng.

Ở quê nhưng lại thích xây nhà biệt thự, làm nai lưng cũng không biết khi nào trả hết nợ.

Những năm gần đây, xu hướng xây biệt thự, sân vườn ở quê đã trở thành trào lưu. Tận dụng địa thế đất rộng rãi, nên nhiều gia đình đã nghe theo lời tư vấn của chủ thầu hoặc bắt chước lẫn nhau để xây nhà kiểu biệt thự, sân vườn. Kể cả chi phí nguyên vật liệu, nhân công…ở quê có rẻ cỡ nào thì những ngôi nhà như vậy cũng ngót nghét đôi ba tỷ.

Mà thực tế, thu nhập bình quân đầu người ở quê vẫn ở mức trung bình. Nếu để xây được như này thì họ phải tiết kiệm cả đời. Thế mà nhiều người “đánh liều” đi vay để cố gắng có được cái nhà khang trang, mát mặt với họ hàng và hàng xóm láng giềng. Để có tiền xây nhà, ngoài vay mượn họ hàng, bạn bè thì chỉ còn cách là vay ngân hàng. Rất nhiều người ở quê lâm vào cảnh vừa làm con nợ của ngân hàng, vừa làm con ở trong chính ngôi nhà của mình…vì nhà quá rộng, lau chùi không cũng mệt.

Câu chuyện của ông Lê Văn Cất (54 tuổi), đang sinh sống tại Hải Hậu, Nam Định cũng rơi vào tình cảnh tương tự như này. Hai vợ chồng ông sống bằng nghề nông, quanh năm với hoa màu, cũng gọi là đủ ăn đủ tiêu. Sau đó vợ chồng ông có chăn nuôi thêm lợn gà, rất may công việc làm ăn thuận lợi nên chỉ sau vài năm cũng dư giả, có của ăn của để.

Cách đây 5 năm khi điều kiện kinh tế ổn định hơn, ông quyết định dỡ bỏ ngôi nhà 2 tầng kiểu cũ xây từ đầu những năm 2000 để khánh thành ngôi nhà mới khang trang, và rộng rãi hơn. Ban đầu ông dự tính xây nhà mái bằng, một tầng với 3 phòng ngủ. Nhưng sau đó nghe theo hàng xóm bàn ra tán vào nên quyết định chuyển sang biệt thự theo phong cách Châu u. Ban đầu xây nhà với số tiền khoảng 800 triệu dự tính trong tầm tay, ông Cất “đổi mình” xây hẳn biệt thự. Vật tư, nội thất, nhân công…mỗi thứ một tí cuối cùng chi phí đội lên gấp ba, gấp tư. Vậy là ngoài tiền vay mượn của họ hàng và người thân, ông phải làm thủ tục để vay ngân hàng với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Khi ngôi nhà khánh thành xong thì họ hàng và bà con lối xóm rủ nhau đến chúc mừng. Ai nấy cũng khen và ca ngợi cơ ngơi của gia đình ông Cất tuổi xế chiều. Nhưng vui mừng chưa được bao lâu, thì ông bà Cất phải đối mặt với khoản lãi hàng tháng từ ngân hàng. Cũng từ ngày đấy, vợ chồng ông lo ngay ngáy đến nỗi sụt hẳn 3 cân, người gầy rộc. Mà con cháu ông cũng lên thành phố làm ăn hết, chỉ có thằng Út ở nhà nhưng cũng chuẩn bị đi đại học vào sang năm. Căn biệt thự rộng gần 300m2, sau này cũng chỉ có ông bà già ở.

Khoảng vài năm nay lợn chết vì dịch nhiều, lại gặp đúng 2 năm covid nên giá lợn giảm sút, do đó việc chăn nuôi cũng không còn gặp thời như trước. Vậy là sau 5 năm về nhà mới, ông bà phải làm “quần quật” ngày đêm mới trả được ⅔ số nợ.

Không chỉ người nhà quê, dân thành phố cũng “tím mặt” vì khoản vay lãi

Cũng cùng rơi vào cảnh vay lãi để làm nhà, nhưng trường hợp của vợ chồng anh Hoàng lại khác đôi chút. Vì ở thành phố, được tiếp cận với công nghệ nên anh Hoàng đã vay gói tín dụng để mua căn hộ chung cư rộng rãi ở ngay trung tâm thành phố, với lãi suất trung bình 12%/ năm.

Hai vợ chồng anh có trong tay khoảng 1 tỷ 3, vay mượn nội ngoại hai bên thêm vào là có 1 tỷ 8. Ban đầu hai vợ chồng tính mua căn chung cư ở rìa thành phố, đâu đó khoảng trên dưới 2 tỷ.

Nhưng đi xem vài nơi mà vẫn không ưng, cuối cùng anh Hoàng cùng vợ đánh liều vay gói tín dụng 1 tỷ 5 để mua căn hộ 3 tỷ 3.

Thật ra với số tiền này ở trong tầm với của gia đình anh, vì tính thu nhập hiện tại của hai vợ chồng cộng lại cũng trên dưới 50 triệu. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, đầu năm ngoái vợ chồng anh mang thai ngoài kế hoạch. Thế nhưng oái oăm thay vợ anh bị khó sinh, không thể đi lại được phải treo chân nằm một chỗ. Vậy là gần hai năm nay từ lúc có bầu đến khi sinh em bé, vợ anh vì bận con cái không thể đi làm, thu nhập ít đi mà tiền lãi vẫn đóng đều đặn. Gia đình anh phải xoay xở chi tiêu lên xuống mới đủ ăn đủ tiêu, đủ tiền trả lãi. Nếu tính theo tình hình thu nhập hiện tại của hai vợ chồng, phải gần 10 năm nữa gia đình anh mới trả hết nợ vay ngân hàng, còn chưa kể trả nợ cho bố mẹ và họ hàng hai bên.

Để giải quyết tình trạng này cho người dân, chúng tôi có mời chuyên gia bất động sản có tiếng Trịnh Đình Dũng. Với những chia sẻ của ông Dũng, hy vọng mọi người sẽ rút ra được bài học khi vay lãi xây nhà.

“Thời buổi ngày nay, câu chuyện người lao động nai lưng thậm chí vỡ nợ vì chuyện mua đất, xây nhà không quá xa lạ.

Khi quyết định xây nhà hay mua nhà trả góp, mọi người cần phải đưa ra lựa chọn phù hợp trong khả năng có thể chi trả. Đối với các khoản vay, để an toàn chỉ được dưới 30%, hoặc cùng lắm lên tới 35%.

Đừng bao giờ để hiệu ứng đám đông hay sở thích nhất thời mà vay quá 50% giá trị tiền nhà, sẽ dẫn đến nhiều rủi ro không đáng có mà chúng ta không lường trước được”, ông Dũng chia sẻ.

Hy vọng rằng các độc giả khi đọc bài viết này, nếu có ý định xây nhà trong thời gian tới, sẽ tránh được rủi ro về “vay lãi xây nhà”.

Chia sẻ bài viết:

Theo Copy link

Link bài gốc

Copy Link
X